“Trẻ em hôm
nay, thế giới ngày mai”. Đối với mọi quốc gia – dân tộc, thiếu nhi, nhi đồng
hôm nay sẽ là chủ nhân của đất nước mai sau. Vì thế, chăm lo, giáo dục toàn diện
cho trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và của từng thành
viên trong xã hội. Trong sự nghiệp “trồng người” đó, Văn hóa đọc giữ vai trò hết
sức quan trọng, là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người
mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để thích ứng với sự phát triển của
xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế trí thức. Để có được
văn hóa đọc, trước hết phải xây dựng được thói quen đọc.Thói quen đọc phải được
bắt đầu xây dựng từ trẻ nhỏ. Với ý
nghĩa đó, cùng với gia đình, nhà trường, thư viện đóng vai trò hết sức quan trọng,
là môi trường không thể thiếu góp phần quan trọng xây dựng và hình thành thói
quen đọc cũng là hoàn thiện nhân cách cho các em thiếu nhi.
Các em học
sinh thành phố Đà Lạt trong ngày hội sách tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng
Các thư viện
công cộng Việt Nam luôn coi việc phục vụ thiếu nhi là một trong những nhiệm vụ
quan trọng hàng đầu. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, thư viện đã có
nhiều cố gắng nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động
thiếu nhi ở trong và ngoài thư viện với mục tiêu thu hút các em tới sử dụng
sách báo của thư viện, hướng dẫn các em đọc sách, định hướng đọc, từng bước
hình thành thói quen đọc cho các em. Tuy nhiên với sự lấn át và tràn lan của
các phương tiện “nghe- nhìn” đầy hấp dẫn đã khiến cho công tác phục vụ thiếu
nhi ở các thư viện công cộng gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất định, cần phải
giải quyết để đổi mới, nâng cao hơn nữa công tác phục vụ thiếu nhi nhất là
trong tình hình sách dành cho thiếu nhi được giới quan tâm đánh giá là “thừa
nhưng vẫn thiếu”. Trăn trở của các bậc cha mẹ khi quan tâm đến việc đọc sách của
con trẻ chính là tìm được cho con những cuốn sách vừa hấp dẫn về nội dung lẫn
hình thức, lại vừa đảm bảo tính giáo dục nhân văn. Chị Nguyễn Thị Duyên ở phường 3 Đà Lạt nói: “Tìm được sách
cho thiếu nhi vừa hay, vừa đẹp, vừa rẻ không đơn giản, vì vậy đưa cháu đến Thư
viện là có thể yên tâm nhất trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay”. Để phục
vụ các em thiếu nhi có hiệu quả từ chất lượng đến số lượng điều cần nhất là phải
có những cán bộ thư viện có tâm với nghề, mỗi cán bộ hãy hòa mình cùng các em,
cùng đọc sách, cùng vui chơi, tạo cho các em có cảm giác như đang ở trong chính
ngôi nhà của mình, cho các em cảm thấy sự thân thiện và ấm áp. Hãy vừa là người
thầy, người cô, vừa là người cha, người mẹ, vừa là người bạn chăm chút và hướng
dẫn các em. Không khí tại thư viện không bó buộc phải ngồi nghiêm chỉnh, mà tất
cả các em thiếu nhi hoàn toàn được thoải mái với một không gian mở… Thư viện công cộng hãy trở thành những thư viện
thân thiện tạo ra nhiều sân chơi cho các em thiếu nhi như: góc vui chơi, góc vẽ
tranh theo sách, góc kể chuyện, góc thi đố em, góc cờ tướng, cờ vua…Sau khi đọc
xong một cuốn sách, các em có thể ghi tóm tắt cảm xúc của mình về tác phẩm, tác
giả, nhân vật, hoặc vẽ nhân vật trong truyện, mỗi một cảm xúc hay các em được tặng
thưởng một món quà phù hợp với lứa tuổi của các em. Đến với thư viện, các em được
nghe giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, cả cách chọn sách và bảo quản sách.
Tuy nhiên không nên có sự quan tâm thái quá, dễ gây cho các em cảm giác căng thẳng,
gò bó dẫn đến giảm dần hứng thú đọc sách của các em. Việc đọc sách – nếu trở
thành một thói quen trong mỗi gia đình sẽ làm nên thành công của công cuộc khuyến
đọc – khuyến học, chúng ta đừng nên coi thường những việc làm tưởng như nhỏ bé.
Các bậc phụ huynh có thể dành thời gian rảnh rỗi của mình đưa trẻ đến thư viện
cùng con đọc sách và trò chuyện với các em về cái hay, cái lý thú của cuốn
sách. Từ đó, thói quen, niềm vui đọc sách sẽ dần dần được nhen nhóm và hình
thành trong mỗi em.
Bên cạnh khó khăn về sự bùng nổ của
công nghệ thông tin, thư viện còn gặp khó khăn trong việc hình thành thói quen
đọc sách cho các em bởi thời khóa biểu dày đặc, các em không còn thời giờ để đọc
sách. Bà Astrid Anna Emilia Lindgren một nữ văn sĩ nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng
trong giới văn học cho trẻ em của Thụy Điển đã có lời khuyên ngắn gọn và giá trị
như sau: “Hãy chỉ cho con em mình đường đến với sách”. Đó chính là những người
cha, người mẹ - những bậc cố vấn đầy uy tín đối với bạn đọc trẻ tuổi sẽ phát
huy vai trò là tấm gương tiên phong trong việc khuyến đọc cho các em. Bên cạnh
đó, thư viện cần quan tâm khuyến khích các em chọn đúng các loại sách để đọc, dần
tạo thành thói quen hứng thú đọc sách. Từ đó làm phong phú thêm về tri thức,
tâm hồn và sự nhạy cảm thẩm mỹ. Bất cứ loại sách nào cũng có tác dụng riêng của
nó. Sách giúp con người nâng cao tầm hiểu biết, bồi bổ trí tuệ, nuôi dưỡng đời
sống tâm hồn mỗi con người. Các em lớn lên, trưởng thành với những hoài bão, ước
mơ đồng hành trong từng trang sách. Để nâng cao văn hóa đọc của nước nhà, trước
hết cần xây dựng ý thức đọc và hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc.Việc xây dựng văn
hóa đọc phải là ý thức chung của toàn xã hội, với mỗi con người, mỗi gia đình,
mỗi thế hệ, mỗi cơ quan, tổ chức và luôn mang tính thời đại. Sách luôn và mãi
mãi là người bạn thân thiết với tuổi thơ.Nếu chúng ta hình thành được văn hóa đọc
ngay tại gia đình và nhà trường, tập cho thiếu nhi thói quen đọc sách thì sở
thích đọc của các em được bồi dưỡng và phát triển. Song song
với việc xây dựng cơ
sở hạ tầng của văn hóa đọc, chúng ta cũng cần phải xây dựng môi trường trong sạch
và lành mạnh cho văn hóa đọc phát triển. Trong đó các cơ quan quản lý phải
nhanh chóng lập ra một lộ trình cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc và
lộ trình đó cần dài hơn, thống nhất và xuyên suốt. “Đã có chiến lược quốc gia về
phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” và càng phải thể chế hóa Chiến lược đó
bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể ngắn hạn và trung hạn.
Muốn xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh
cho thiếu nhi cần sự tham gia của người lớn, cụ thể là các bậc phụ huynh, các
nhà quản lý văn hóa, thầy cô giáo và đội ngũ những người sáng tác. Vì thế vấn đề
giáo dục trẻ em đọc sách không chỉ dừng lại ở gia đình, nhà trường, mà hơn thế
nữa thư viện đang dần trở thành: “ngôi trường thứ 3” giúp nâng cao kiến thức và
giáo dục các em trở thành những con người có ích cho tương lai của đất nước.
Làm thế nào để thư viện công cộng làm tốt công tác trên, đây chính là nhiệm vụ
khó khăn và thách thức lớn đối với sự nghiệp thư viện chúng ta đòi hỏi mỗi cán
bộ thư viện phải nỗ lực hết mình, bằng mọi cách tìm tòi, sáng tạo với nhiều
phương pháp mới để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Ngoài phục vụ tại chỗ thư viện
còn có các chuyến xe lưu động vẫn thầm lặng mang những tri thức của nhân loại đến
với mọi người trong cái hối hả của cuộc sống, tiếp tục hành trình đưa sách về
vùng sâu vùng xa , vùng đồng bào dân tộc sinh sống với mục tiêu xóa đói thông
tin, xóa mù công nghệ luôn vận hành với tiêu chí: “Sách đi tìm người”. Đây cũng
chính là những điều kiện tốt nhất để thư viện “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn
thấu hiểu” và tìm ra những giải pháp để dần dần xây dựng những điểm đọc sách cố
định cho người dân địa phương với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thường
xuyên chú trọng đến công tác tuyên truyền phối kết hợp với các ban ngành, đơn vị,
cơ quan, đoàn thể để tổ chức các hoạt động gắn liền với sách như: ngày hội đọc
sách, các cuộc thi viết cảm nhận, sáng tác, vẽ tranh, đố vui về sách, viết lời
kết cho một tình huống hoặc câu chuyện, thi thuyết trình và giới thiệu sách, kể
chuyện theo sách, triển lãm sách theo chủ đề thành lập các câu lạc bộ, giới thiệu
sách mới để thu hút các em có cùng sở thích đến tham gia học tập, vui chơi,
sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm.
Phục vụ sách
lưu động tại xã Liêng Srônh huyện Đam Rông
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng
ta, sách đóng vai trò rất quan trọng, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu
đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta
nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ
mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người, và đọc sách từ lâu đã trở thành
một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới. Chúng ta đang ở thế
kỷ 21, thế kỷ của tri thức, của trí tuệ. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đi xa và
có nền kinh tế vững mạnh. Việc hướng dẫn và tạo điều kiện tối đa để các em
thiếu nhi, những người chủ tương lai, những người sẽ kế tục chúng ta, đọc sách,
tiếp cận với tri thức một cách dễ dàng và toàn diện là trách nhiệm của mỗi
chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe các em, hiểu các em, giúp đỡ các em.
Các em rất cần chúng ta. Chỉ cần mỗi người trong chúng ta có một hành động nhỏ
thì kết quả chung sẽ lớn vô cùng.
Nguyễn Thị Hoa - Thư Viện Tỉnh Lâm Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét