Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Hơn 100 đại biểu tham dự chương trình ngày thơ “Nguyên Tiêu nhớ Bác” tại thư viện Lâm Đồng

Sáng ngày 4/3/2015, Thư viện tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Câu lạc bộ thơ Lâm Đồng thuộc Trung Tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức chương trình Ngày Thơ Việt Nam năm 2015 với chủ đề “Nguyên Tiêu nhớ Bác”.
     Đến tham dự chương trình có các đại biểu của Ban Tuyên giáo Thành ủy, phó tổng biên tập báo Lâm Đồng, đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng, đại diện phòng PA83 CA tỉnh Lâm Đồng, đại diện trung tâm Văn hóa tỉnh và hơn 100 thành viên của Câu lạc bộ thơ Lâm Đồng tham dự.    
     Đây là lần thứ 13 tỉnh Lâm Đồng cùng cả nước trân trọng kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam. Ngày 15 tháng giêng năm 1948 Bác Hồ làm bài thơ Nguyên Tiêu nổi tiếng, từ đó năm 2013 Hội Nhà văn Việt Nam quyết định chọn ngày này hằng năm là ngày Thơ Việt Nam.
    Ngày thơ Việt Nam cũng là hoạt động truyền thống nhằm kỷ niệm 13 năm ngày thơ Việt Nam ra đời, đồng thời giới thiệu đến bạn đọc và đại biểu những tác phẩm của các tác giả địa phương, tôn vinh ngày thơ Việt Nam và khuyến khích sự sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà.

Quang cảnh ngày thơ tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

VĂN HÓA ĐỌC THỜI HIỆN ĐẠI

Đọc chính là học tập và truyền bá tri thức của nhân loại. Khi kho tàng tri thức ấy không ngừng được bổ sung, ngày càng lớn lên vô cùng tận với thời gian thì văn hóa đọc cũng phát triển mạnh mẽ không ngừng. Với kho tàng trí thức khổng lồ, mỗi người đọc cả đời cũng không hết. Cho nên văn hóa đọc thôi thúc con người phải chịu khó đọc để mở rộng kiến thức, nâng cao sự hiểu biết nhằm hoàn thiện nhân cách và làm việc có hiệu quả. Trong thời hiện đại, với nhịp sống công nghiệp, với những cuộc mưu sinh hoặc tìm cách làm giàu, thời gian rỗi của con người ngày càng eo hẹp, có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc. Trong khi đó, các phương tiện nghe nhìn phát triển rất mạnh, các hình thức giải trí đa dạng, hấp dẫn thường xuyên xuất hiện đã khiến cho người ta dần dần ngại đọc sách, xa rời văn hóa đọc. Thực tế cho thấy, dù xã hội phát triển đến đâu, văn hóa đọc vẫn giữ vai trò rất quan trọng, vẫn vô cùng cần thiết đối với mỗi con người. Văn hóa đọc gắn liền với sự ra đời của chữ viết có những đặc trưng riêng biệt vì thế không có hình thức nào để thay thế được nó.

Khơi dậy văn hóa đọc trong thanh niên


Ðọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp nhận thông tin mà còn là một trong những hoạt động văn hóa, được gọi là văn hóa đọc, là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở. Tuy nhiên, văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay đang cần những định hướng, chấn chỉnh kịp thời.
Vừa qua, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất (21-4), nhiều hoạt động Ngày hội sách và văn hóa đọc đã diễn ra trên khắp các địa phương trong cả nước, với sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên. Qua trao đổi với các bạn đọc trẻ, chúng tôi đã cảm nhận được nhiều điều về văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay.
Trong thời đại công nghệ thông tin, con người có nhiều cách để tiếp cận và bổ sung kiến thức và phục vụ nhu cầu giải trí của mình. Thay vì chỉ có cuốn sách, trang báo, đài phát thanh, truyền hình, ngày nay xuất hiện nhiều loại hình truyền thông với sự tiện dụng, nhanh nhạy đã và đang hấp dẫn người xem, đọc, nhất là giới trẻ. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính bảng, người đọc đã có kho tư liệu khổng lồ, với nhiều thông tin nóng được cập nhật thường xuyên. Ðây là một trong những nhân tố hàng đầu khiến văn hóa đọc trong giới trẻ đang có sự biến động. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chia sẻ là thường đọc sách theo phong trào, khi thấy bạn bè thông tin cho nhau, hay báo chí nói về những quyển sách hay, đang gây sốt thì cũng đi tìm mua để đọc thử, chứ không giữ được thói quen đọc sách hằng ngày. Cũng có bạn trẻ coi đọc sách là để giải trí, là một thú vui chứ chưa định hướng được thể loại chủ đề, vấn đề mà mình cần quan tâm.