Thay đổi cuộc sống là mục tiêu rất nhân văn của Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam.
Dự
án do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ với tổng kinh phí lên
đến hơn 50 triệu USD, trong đó từ quỹ BMGF là gần 30 triệu USD, từ
Microsoft là 3,6 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam do
UBND tỉnh, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam ... đầu tư chuẩn bị cơ sở hạ
tầng triển khai Dự án. Hai Tập đoàn viễn thông là VNPT và Viettel hỗ trợ
đường truyền.
Dự án triển
khai trong 5 năm tại gần 2.000 điểm truy cập Internet tại 40 tỉnh; lắp
đặt hơn 12.000 máy tính nối mạng Internet cùng các thiết bị phụ trợ tại
các điểm truy cập. Dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng
cao dân trí cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông
thôn. Chính vì vậy Dự án được đặt tên là Máy tính cho cộng đồng, lô gô
là Kết nối vòng tay lớn và khẩu hiệu là Thay đổi cuộc sống.
PV:
Thưa ông, mục tiêu của dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy
cập internet công cộng tại Việt Nam nhằm mục tiêu thay đổi cuộc sống
của người dân nông thôn. Xin ông cho biết một số kết quả bước đầu của Dự
án tính đến thời điểm này?
Ông Phan Hữu Phong: Có
thể nói rằng, ngay sau khi lắp đặt xong và đưa vào sử dụng thì Dự án đã
phát huy được hiệu quả mong đợi đó là số lượng người truy cập tại các
điểm TVCC tỉnh và huyện rất đông và ngày càng tăng . Nhiều điểm Thư viện
tỉnh phải giảm thời gian quy định truy cập cho mỗi người từ 3 giờ xuống
2 giờ mà vẫn không đủ máy tính.
Tại
các điểm BĐVHX nơi thu 50% phí sử dụng, lượng người dùng cũng rất khả
quan. Theo thống kê từ hệ thống phần mềm giám sát qua Internet của Dự án
trong quý 1/2013 tại 634 điểm cho thấy: Bình quân thời lượng truy cập
Internet tại các điểm TVCC là 4,8 giờ/điểm/ngày; điểm BĐVHX là 6,7
giờ/điểm/ngày. Tổng số lượt người đến sử dụng máy tính là 33.270 lượt
người. Tổng thời gian truy cập là 330.236 giờ.
Hà
Giang là tỉnh có số lượt người đến truy cập máy tính cao nhất (4.142
lượt). Sóc Trăng là tỉnh có số giờ truy cập máy tính cao nhất (46.582
giờ). Đây chính là những con số biết nói, phản ánh trung thực hiệu quả
hoạt động của Dự án.
Ông Phan Hữu Phong phát biểu tại Hội thảo Internet tại Lâm Đồng
PV:
Thực tế tại các địa phương triển khai Dự án cho thấy, rất nhiều trẻ em
hào hứng với các hoạt động của Dự án như Ngày hội Internet chẳng hạn.
Phải chăng trẻ em là đối tượng trọng tâm của Dự án, thưa ông?
Ông Phan Hữu Phong: Đúng
là trong số người đến truy cập Internet thì các bạn trẻ (Sinh viên, học
sinh các cấp) chiếm số lượng đông nhất, tiếp cận với máy tính nhanh
nhất. Tuy nhiên, đây là Dự án cho tất cả cộng đồng và chắc chắn các nhà
báo sẽ còn tiếp cận với hoạt động của nhiều nhóm đối tượng khác như Phụ
nữ, thanh niên, nông dân, người dân tộc thiểu số… nữa. Dự án đã thiết kế
các nội dung hợp phần công việc có định hướng để phục vụ phù hợp cho
từng đối tượng người dùng cụ thể. Ví dụ như cán bộ công chức tìm kiếm
thông tin về cơ chế, chính sách. Người nông dân thì tìm hiểu về chăn
nuôi, trồng trọt. Phụ nữ tìm hiểu về giá cả, kiến thức nấu ăn, gia đình,
sức khỏe, làm đẹp. Thanh niên tìm kiếm việc làm, cơ hội kết bạn, giao
lưu. Học sinh thì học hành, thi cử, kết bạn.
Vừa
qua, chúng tôi kiểm tra thực tế và tham gia tổ chức ngày hội Internet
thấy rất thành công tại nhiều tỉnh. Ấn tượng nhất là khi đến huyện Lâm
Bình (Tuyên Quang), một huyện miền núi mới thành lập, cách xa TP Tuyên
Quang 160km. Tham gia ngày hội Internet hôm đó có các cháu học sinh lớp 5
nhưng đã sử dụng máy tính và Internet rất thành thạo. Các cháu cho biết
đã được học tin học từ lớp 4 ở trường. Ở nhà không có máy tính nên các
cháu thường xuyên rủ nhau đến thư viện huyện Lâm Bình để thực hành.
Chúng tôi cho rằng đây là một thành công đáng ghi nhận của Dự án này.
PV:
Nhu cầu của người sử dụng rất đa dạng. Làm thế nào để Dự án khuyến
khích được người dân sử dụng máy tính và Internet vào đúng mục đích là
“Thay đổi cuộc sống”, thưa ông?
Ông Phan Hữu Phong: Đây
là vấn đề quan trọng hàng đầu khi triển khai Dự án này. Không đơn giản
là cung cấp cơ sở hạ tầng thiết bị, Dự án đã và đang tiếp tục tổ chức
các hoạt động truyền thông vận động như tổ chức ngày hội Internet, tổ
chức đào tạo, thanh niên tình nguyện....tuyên truyền, hướng dẫn cho các
tầng lớp nhân dân hiểu biết về lợi ích khi đến đây cũng như hỗ trợ đào
tạo các kỹ năng cơ bản cho người sử dụng.
Ban
quản lý dự án cùng các bên tham gia như Thư viện, Bưu điện, Sở Văn hóa
TTDL, Sở TTT&TT... đã có sự kết hợp để định hướng, hướng dẫn cho cán
bộ nhân viên phục vụ tại các điểm của Dự án hướng dẫn cho người sử dụng
máy tính đặc biệt là các em học sinh sử dụng máy tính và truy cập
Internet hiệu quả làm sao để giải trí lành mạnh không lấn át những mục
đích tốt đẹp khác.
Có câu
chuyện rất ý nghĩa như tại điểm BĐVHX Mường Nọc, Quế Phong, Nghệ An con
của chị Vi Thị Nhung thường xuyên đến đây sử dụng máy tính. Người mẹ
quản lý con bằng cách luôn đi cùng con đến kiểm tra và thực sự thấy con
chơi trò giải toán qua mạng. Trong lúc chờ con, chị được nhân viên điểm
BĐVHX hướng dẫn sử dụng máy tính truy cập internet tìm kiếm kinh nghiệm
nuôi gà. Kết quả con chị đạt kết quả học tập tiến bộ và chị Nhung có
thêm nhiều kinh nghiệm để nuôi gà đạt hiệu quả kinh tế rất cao.
PV.
Ông vừa đề cập đến vai trò của các cơ quan quản lý trong việc định
hướng phát huy hiệu quả sử dụng máy tính và Internet. Vậy vai trò của
các tổ chức đoàn thể địa phương như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Hữu Phong: Phải
nói rằng, ngoài các cấp Lãnh đạo địa phương, các ngành Văn hóa thể thao
du lịch, bưu chính viễn thông, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội
Liên hiệp Thanh niên, Hội người cao tuổi… đã góp phần quan trọng quyết
định thành công của Dự án. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để Dự án
tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng mong muốn thực tế của người dân, các tổ chức
này đã tham gia hỗ trợ, phối hợp tích cực trong triển khai công việc.
Chúng
tôi luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành,
các tổ chức đoàn thể để Dự án triển khai thành công.
PV: Xin cảm ơn ông.
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/48/48/111714/internet-lam-thay-doi-cuoc-song.aspx
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/48/48/111714/internet-lam-thay-doi-cuoc-song.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét