Có thể nói sách như một
người bạn thân thiết và tâm giao đồng hành trong cuộc sống của mỗi con người. Đọc
sách không chỉ là nhu cầu giải trí mà còn có tác dụng nâng cao hiểu biết nhiều
mặt, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách, đặc biệt là đối với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Cuộc sống hiện đại có nhiều công cụ giúp chúng ta tìm
kiếm thông tin, kiến thức một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, tuy nhiên các
phương tiện nghe – nhìn hiện đại, những trò chơi trực tuyến không thể thay thế
được văn hóa đọc.
Đối với giáo dục trẻ em, sách đóng vai trò đặc
biệt quan trọng “Sách thiếu
nhi là yếu tố quan trọng bậc nhất” (Krupskaya - vợ cố lãnh tụ Lênin). Về một phương diện nào đó, đối với thiếu
nhi sách còn cần hơn so với người lớn. Sở dĩ nói như thế là vì các em còn nhỏ,
phạm vi hoạt động còn bị hạn chế, điều đó không cho phép các em mở rộng thế
giới quan và tích lũy vốn kinh nghiệm phong phú. Do đó sách là phương tiện tốt nhất giúp các
em tiếp thu dần những tri thức cần thiết trong đời sống, hỗ trợ việc học của
các em ở trường, góp phần nâng cao chất lượng học tập, thậm chí trong chừng mực
nào đó giúp khắc phục những thiếu sót của chương trình chính khóa. Chính ở ý
nghĩa này, bà Krupskaya đã khẳng định: “Sách cần cho thế hệ đang lớn lên không
kém gì trường học”. Bên cạnh đó sách còn giúp các em nắm những kiến thức khoa
học cơ bản và góp phần giáo dục thị hiếu thẩm mỹ.
Phòng đọc thiếu nhi tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng
Cũng giống như trong học tập hay vui chơi, trẻ
em đọc sách cần phải có sự hướng dẫn và có địa điểm để đọc sách. Vậy
các em sẽ đọc sách ở đâu? Ai sẽ là
người giúp các em tiếp xúc với sách,
báo phù hợp? Ai sẽ là người tạo thói quen đọc sách và gắn bó với sách
cho các em thiếu nhi? Đó chính là Thư
viện và cán bộ thư viện -
những người gác cổng văn hóa đọc, mang lại hiệu quả thực tế để hỗ
trợ bạn đọc trong việc lựa chọn sách. Họ sẽ là những người xây dựng và
phát triển văn hóa đọc, chọn lọc và giúp các em chọn sách phù hợp với các lứa
tuổi; tùy theo mỗi độ tuổi mà chúng ta lựa chọn những loại sách khác nhau. Tương
lai đất nước ở trong tay thế hệ đang lớn lên và thế hệ đó sẽ ra sao tùy thuộc
phần lớn vào công tác giáo dục. Bởi thế, không gì lý tưởng hơn khi chúng ta
có được nền văn hóa đọc sâu rộng trong toàn dân, ở mọi vùng và với mọi đối
tượng. Thư viện cần quan tâm khuyến khích các em chọn đúng các loại sách để
đọc, dần tạo thành thói quen hứng thú đọc sách. Điều này sẽ giúp các em nâng
cao tầm hiểu biết, trí tuệ thêm phong phú, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn, sự nhạy
cảm thẩm mỹ đối với mỗi em. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức phong phú, cho trẻ
hiểu sâu biết rộng, sách còn là tác nhân quan trọng giúp trẻ phát triển trí
tưởng tượng, hoàn thiện khả năng ngôn ngữ và xây dựng một nhân cách sống nhân
văn, phong phú có chiều sâu.
Có thể nói sách vừa là bạn, vừa là người thầy
có quyết định đến tương lai của trẻ. Chính vì lẽ đó Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã
tạo điều kiện cho các em mượn sách về nhà. Đây là một đổi mới đóng vai trò quan
trọng của Thư viện, thể hiện sự chú trọng phát triển, bắt nguồn từ sự quan tâm
đến nhu cầu và yêu cầu học hỏi của các em. Ban lãnh đạo cũng như các cán bộ của
Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng nghiên cứu, nỗ lực tìm tòi những phương
thức phục vụ phù hợp
với từng đối tượng bạn đọc. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn không thể
đến trường thì việc được đọc sách và mượn sách về nhà sẽ giúp các em có thể tự
học tập, nghiên cứu, trau dồi những vấn đề mình quan tâm, yêu thích. Nếu như
việc ngồi đọc sách tại Thư viện sẽ giúp các em tập trung nhưng lại giới hạn về thời gian, thì việc cho các em mượn sách về nhà lại khắc phục được hạn chế trên. Từ việc đọc, học hỏi kiến thức ở các cuốn
sách được kỹ hơn và sâu hơn, các em sẽ hiểu sâu sắc hơn những vấn đề mình đang
tìm hiểu, có ý thức tìm tòi, khám phá các kiến thức xung quanh mình. Ngoài ra
các em có thể trao đổi với các bạn và gia đình mình để có nhận thức toàn diện
về kiến thức và các vấn đề xã hội, những điều bản thân chưa hiểu rõ, khơi dậy được trong mỗi em tinh thần
ham đọc, ham học hỏi. Việc các em được mượn sách của Thư viện về nhà đã tạo
điều kiện tốt nhất để các em phát triển tư duy một cách toàn diện, góp phần
hình thành nhân cách và trí tuệ để phát triển các em thành những người có tài,
có đức trong tương lai góp phần xây dựng đất nước.
Phòng đọc thiếu nhi Thư viện tỉnh Lâm Đồng
không chỉ là nơi giữ sách, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ
công tác học tập và giảng dạy; tạo điều
kiện cho các em say mê học và làm theo sách, góp phần bồi dưỡng cho các em trở
thành những công dân có ích cho xã hội. Thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ kính
yêu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng
người”. Vì vậy, phục vụ các em thiếu nhi là khâu quan trọng trong công tác phục
vụ bạn đọc của Thư viện tỉnh Lâm Đồng. Bạn đọc Thiếu nhi – mầm non tương lai
của đất nước, chăm sóc và giáo dục trẻ em trở thành chủ nhân tương lai có năng
lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức tốt đẹp không những là trách nhiệm của nhà
trường, của các bậc phụ huynh mà là của toàn xã hội, trong đó Thư viện là thiết
chế văn hóa không thể thiếu trong việc “trồng người”, là nơi học tập, giáo dục
ngoài nhà trường và là nơi giữ gìn quá
khứ và ngày mỗi ngày trở thành đường dẫn tới tương lai. Cán bộ Thư viện tỉnh Lâm Đồng sẽ luôn là “cầu nối giữa tri thức và
con người”, hay nói một cách khác,
họ đã “mang
con người và tri thức được lưu trữ xích lại gần nhau”. Quả là
không sai khi nói rằng: “Văn hóa đọc - nơi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ”.
Nguyễn Thị Hoa – Thư viện
tỉnh Lâm Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét