Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

VĂN HÓA ĐỌC THỜI HIỆN ĐẠI

Đọc chính là học tập và truyền bá tri thức của nhân loại. Khi kho tàng tri thức ấy không ngừng được bổ sung, ngày càng lớn lên vô cùng tận với thời gian thì văn hóa đọc cũng phát triển mạnh mẽ không ngừng. Với kho tàng trí thức khổng lồ, mỗi người đọc cả đời cũng không hết. Cho nên văn hóa đọc thôi thúc con người phải chịu khó đọc để mở rộng kiến thức, nâng cao sự hiểu biết nhằm hoàn thiện nhân cách và làm việc có hiệu quả. Trong thời hiện đại, với nhịp sống công nghiệp, với những cuộc mưu sinh hoặc tìm cách làm giàu, thời gian rỗi của con người ngày càng eo hẹp, có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc. Trong khi đó, các phương tiện nghe nhìn phát triển rất mạnh, các hình thức giải trí đa dạng, hấp dẫn thường xuyên xuất hiện đã khiến cho người ta dần dần ngại đọc sách, xa rời văn hóa đọc. Thực tế cho thấy, dù xã hội phát triển đến đâu, văn hóa đọc vẫn giữ vai trò rất quan trọng, vẫn vô cùng cần thiết đối với mỗi con người. Văn hóa đọc gắn liền với sự ra đời của chữ viết có những đặc trưng riêng biệt vì thế không có hình thức nào để thay thế được nó.
Quá trình đọc là quá trình hấp thụ tri thức qua cảm nhận của người đọc. Trong quá trình đọc, con người phải suy nghĩ, phân tích tổng hợp, tư duy biến tri thức của nhân loại thành tri thức của riêng mình. Tri thức sẽ hằn sâu trong trí não của mỗi người và đọng lại trở thành vốn kiến thức để con người vận dụng vào công việc và cuộc sống của chính mình, có tác dụng hơn hẳn những tiếng nói thoáng qua, những hình ảnh lướt qua. Văn hóa đọc cũng giúp con người tăng trí tưởng tượng nhất là những tác phẩm văn học. Từ những dòng chữ, thông qua ngôn ngữ văn học, những nhân vật, những khung cảnh thiên nhiên, xã hội như hiển hiện trước mắt người đọc. Đọc các tác phẩm văn học có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng và sự sáng tạo cho người đọc. Có thể nói văn hóa đọc giữ vai trò chủ chốt trong quá trình học tập, quá trình nhận thức của mỗi người chúng ta. Như vậy văn hóa đọc rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại góp phần không nhỏ cho sự phát triển xã hội. Cho nên cần phải tuyên truyền giáo dục để mọi người nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của sách, của văn hóa đọc với mỗi người, văn hóa đọc phải trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người. Ngay cả ở những nước công nghiệp phát triển, văn hóa đọc vẫn được coi trọng. Trong cuộc sống thường ngày hối hả, bận rộn chúng ta vẫn chứng kiến cảnh người ta say mê đọc sách báo trên máy bay, trên tàu điện ngầm, trong khi chờ đợi. Đọc sách báo đã trở thành thói quen. Bên cạnh đó phải hình thành hệ thống thiết chế văn hóa đọc chủ yếu là mạng lưới thư viện. Trước đây, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được mạng lưới thư viện đến tận cơ sở, làng, xã. Tuy nhiên, hệ thống này hoạt động yếu, kém, cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn ngân sách dành cho sách, báo ít ỏi nghèo nàn, cho nên phần lớn các thư viện đều vắng bạn đọc, bụi phủ đầy sách báo. Văn hóa đọc cần được khơi dậy ngay từ cơ sở, tạo thành phong trào quần chúng ham đọc sách báo, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho mạng lưới thư viện để có nhiều đầu sách báo phong phú, đổi mới hình thức hoạt động thu hút đông đảo bạn đọc. Những năm gần đây xuất hiện 2 một số cách làm mới như xây dựng các bưu điện văn hóa xã kết hợp giải quyết nhu cầu thông tin liên lạc cùng với nhu cầu đọc sách của nhân dân, xây dựng những thư viện gia đình, cụm dân cư làm nòng cốt cho phong trào đọc sách báo ở cơ sở. Tất cả những việc làm đó đều nhằm mục đích tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận với sách, báo, với văn hóa đọc. Để văn hóa đọc phát huy tầm ảnh hưởng của mình, có sức hấp dẫn đông đảo bạn đọc, một vấn đề rất quan trọng đặt ra là phải có nhiều tác phẩm đọc đa dạng, phong phú bổ ích và hấp dẫn. Muốn cho trẻ em ham đọc sách, thoát nghiện trò chơi điện tử thì phải có sách hay cho các em đọc. Dư luận đã lưu ý còn quá nhiều truyện tranh nhiều tập lôi cuốn các em xem tranh hơn là đọc. Những lời thoại có dòng chữ ngắn ngủi, lí nhí nhiều khi lại thô thiển. Mặc dù, công tác xuất bản những năm gần đây có rất nhiều cố gắng, đưa ra thị trường nhiều loại sách đa dạng, trong đó có những cuốn sách quý, tuy nhiên cũng xuất hiện không ít những ấn phẩm in rất đẹp, bìa dày nhưng nội dung nhạt nhẽo, vô bổ khiến cho người đọc cảm thấy đọc mất thời gian. Cùng với việc phát triển công nghệ hiện đại đã xuất hiện loại hình đọc mới như trang thông tin điện tử, báo điện tử, sách điện tử. Đây là cơ hội mới để phát triển văn hóa đọc trong thời hiện đại. Tuy còn là bước khởi đầu ở nước ta song đòi hỏi chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt quản lý tốt loại hình này, bảo đảm chất lượng về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu của người đọc trong tình hình mới, góp phần nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.
                                                                                         Theo Báo Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét