Thực hiện chủ trương của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt và tiếp nhận Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính
và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates
(BMGF) tài trợ vào tháng 7 năm 2011 và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông
làm chủ dự án; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 40 tỉnh được hưởng lợi từ Dự
án cùng triển khai. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực phục vụ và cách
thức cung cấp thông tin thông qua máy tính và internet cho các thư viện công cộng
và điểm bưu điện văn hóa xã với tầm nhìn mới; tập trung hỗ trợ người dân nghèo,
nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp
cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin, đồng thời được hưởng
những lợi ích về kinh tế - xã hội mà việc tiếp cận công nghệ thông tin mang lại;
từ đó cải thiện cuộc sống của cá nhân, đồng thời đóng góp được cho gia đình, cộng
đồng và xã hội. Hiệu quả của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy
cập Internet công cộng tại Việt Nam” là thay đổi cuộc sống của người dân từ việc
áp dụng những thông tin hữu ích mà họ khai thác qua máy tính và internet.
Thư viện Tỉnh Lâm Đồng đã chủ động,
tích cực tiếp nhận dự án và đưa vào hoạt động chính thức trên địa bàn tỉnh từ
ngày 5/9/2013. Nhằm tạo điều kiện cho bạn đọc được hưởng lợi từ dự án này, Thư
viện tỉnh Lâm Đồng đã mở cửa phục vụ bạn đọc khai thác Internet miễn phí từ thứ
2 đến thứ 7 hàng tuần để đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, văn hóa và giải
trí của người dân. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, được sự quan tâm tạo điều
kiện thuận lợi của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị tiếp nhận và đơn vị có liên
quan đã tiến hành lắp đặt thiết bị và đưa vào sử dụng tại Thư viện tỉnh; 10 thư
viện huyện; 11 thư viện xã và 28 điểm bưu điện văn hóa xã vùng sâu, vùng xa với
tổng số 285 máy tính có kết nối mạng, 50 máy in và các thiết bị ngoại vi. Dự án
“Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt
Nam” đã đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa rất cao, giúp cho người dân
từ khu vực nông thôn đến tận những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào
dân tộc sinh sống và vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận, người dân ngày càng nhận
thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của internet mang lại cho cuộc sống. Thông
qua khai thác hiệu quả thông tin trên internet mà rất nhiều người dân, hộ gia
đình đã tìm tòi, áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật để thay đổi phương
thức sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống,
xóa đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu chính đáng cùng với đó là trình độ dân
trí được nâng lên rõ rệt. Chính điều này đã làm thu hẹp khoảng cách thụ hưởng
do công nghệ thông tin và truy cập Internet mang lại giữa người dân thành thị
và nông thôn trên địa bàn tỉnh, mọi người dân đều được bình đẳng hưởng lợi từ
internet và công nghệ thông tin mang lại tạo điều kiện cho người dân vùng sâu
,vùng xa có thể tiếp cận, làm quen, sử dụng máy tính và internet để tìm kiếm
tra cứu thông tin, học tập kinh nghiệm và trao đổi thông tin cần thiết bổ ích
cho cuộc sống.
Bên cạnh đó, dự án đã thu hút nhiều học
sinh đến làm quen với máy tính và truy cập internet, giúp các em học sinh khám
phá những tri thức mới, góp phần nâng cao việc học tập của các em. Nhờ dự án
này, người dân và các em học sinh, sinh viên mới biết đến những sự kiện truyền
thông như ngày hội internet, internet với thanh niên, sinh viên tình nguyện,
internet với phụ nữ…và nó đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây cũng là
hoạt động truyền thông vận động để đưa các điểm truy cập internet công cộng trở
thành những trung tâm văn hóa, học tập và thông tin cộng đồng, trở thành địa chỉ
hấp dẫn để người dân đến và được hỗ trợ sử dụng máy tính nhằm phát huy hiệu quả
hoạt động của các điểm truy cập. Thông qua các hoạt động như giới thiệu dự án,
hướng dẫn cách sử dụng máy tính và internet phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối
tượng,…các sự kiện đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân địa phương, từ
đó chủ động và tích cực sử dụng dịch vụ tại các điểm tiếp nhận dự án. Nhờ sự
thu hút mạnh mẽ ấy, người dân đã đến các điểm truy cập tìm kiếm thông tin sản
xuất nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế gia đình, những thông tin với các
chủ đề liên quan tới đời sống, kinh tế, xã hội …
Nhìn chung, dự án đã làm thay đổi
cách nghĩ, cách làm, từ đó giúp cho bộ mặt bưu điện văn hóa xã và thư viện công
cộng ngày một đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, làm cho các điểm truy cập
trở thành điểm đến hấp dẫn cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra dự án còn mở ra
cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, đặc biệt là đối với
thư viện huyện và thư viện xã, nhằm góp phần thực hiện thành công và bền vững
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Qua quá
trình hơn một năm triển khai dự án, tổng số lượng lượt người truy cập là 25.753
lượt. (Số liệu thống kê của Thư viện tỉnh Lâm Đồng tính từ tháng 9/2013 đến
tháng hết tháng 2/2015).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước
đầu của việc triển khai Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập
Internet công cộng tại Lâm Đồng trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại hạn
chế như: Một số Thư viện xã và bưu điện văn hóa xã vẫn nằm trong trụ sở UBND
xã, thậm chí phòng truy cập internet được bố trí ngay ở Bộ phận “một cửa” nên
chưa thuận lợi cho người dân đến khai thác, sử dụng dịch vụ, truy cập Internet;
một số đơn vị triển khai đường truyền không ổn định, ảnh hưởng đến việc sử dụng,
truy cập Internet; kinh phí hỗ trợ kiêm nhiệm thêm việc của nhân viên Bưu điện
văn hóa xã và Thư viện xã còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả của Dự án “Nâng cao
khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” góp phần cải thiện đời sống của người dân, xóa
đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực
thành thị và nông thôn cần có những giải pháp sau: cần sự quan tâm chặt chẽ của
địa phương hơn nữa, cần có chính sách khuyến khích nhân viên Bưu điện văn hóa
xã và Thư viện xã làm ngoài giờ để thuận lợi cho người dân đến khai thác các dịch
vụ, truy cập Internet; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến
mọi tầng lớp nhân dân thu hút người dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ Internet;
tăng cường công tác đào tạo, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân
viên ở Bưu điện văn hóa xã và Thư viện xã. Các cơ quan chủ quản cần thường
xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Dự án
triển khai mang lại lợi ích thiết thực nhất. Đồng thời mỗi địa phương được thụ
hưởng Dự án cần nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng, bảo dưỡng các thiết bị
để phát huy tối đa những mặt tích cực mà Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy
tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” mang lại; cần có giải pháp
lâu dài sau khi Dự án kết thúc để duy trì, xây dựng Thư viện, Bưu điện văn hóa
xã thành trung tâm học tập cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao
dân trí, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Thị Hoa – Thư Viện Tỉnh Lâm
Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét