Trong hiện trạng ngành thư viện nước nhà, ngoài những nghiệp vụ chuyên môn
thường xuyên mà người cán bộ thư viện nào cũng phải đảm trách - đó là công việc
tuyển chọn, bổ sung, chuẩn bị, sắp xếp và lưu hành sách báo, tài liệu, cũng như
phục vụ độc giả trong công tác tham khảo, sưu tầm, người cán bộ thư viện Việt
nam ngày nay còn phải đóng nhiều vai trò tích cực hơn là những công việc có
tính cách thụ động và đều đặn trên đây. Những vai trò tích cực đó được thể hiện
ngay trong những nghiệp vụ chuyên môn, cũng như trong những hoạt động có tính
cách xã hội để đóng góp cho việc phát triển văn hóa, giáo dục nói chung. Trên
phương diện nghiệp vụ chuyên môn, người cán bộ thư viện Việt nam ngày nay phải
là những chiến sĩ tiên phong cho việc phát triển ngành thư viện tại nước nhà.
Có biết bao nhiêu công việc chuyên môn đòi hỏi những bàn tay của những người
cán bộ thư viện chuyên nghiệp đóng góp để xây dựng nền thư viện học cho phù hợp
với hoàn cảnh, điều kiện và thực trạng văn hóa tại việt nam. Trước hết, là công
việc soạn thảo những tài liệu kỹ thuật chuyên môn. Phải có sự hợp tác chặt chẽ
giữa các cán bộ thư viện được huấn luyện chuyên nghiệp để:
- Thiết lập các qui tắc rõ ràng trong việc miêu tả và phân
loại sách, nhất là các qui tắc miêu tả tên tác giảViệt nam và và ngoại quốc;
- Điều chỉnh Khung phân loại Dewey cho phù hợp với hoàn cảnh Việt nam;
- Thiết lập các Tiêu đề đề mục (Subject Headings) bằng Việt ngữ;
- Thiết lập các qui tắc làm thư tịch và sách chỉ mục, miêu tả về sách và các
tài liệu thính thị.
Tất cả những công tác trên đây nhằm mục đích đạt tới những qui luật thống
nhất, trường cửu và minh bạch để hỗ trợ cho việc tổ chức, sắp xếp và định vị
trí của các sách báo, tài liệu tại Việt nam. Ngoài ra, để giúp cho công
việc tham khảo, sưu tầm của các độc giả, các cán bộ thư viện cũng phải đi tiên
phong trong việc hợp tác để soạn thảo thư tịch (bibliographies) và sách
chỉ mục (indexes) hướng dẫn đến các nguồn tài liệu sách báo xuất
bản trong quá trình lịch sử. Cũng để đóng góp cho việc phát triển ngành thư
viện, các cán bộ thư viện chuyên nghiệp còn phải hợp tác để soạn thảo chương
trình thư viện học sao cho phù hợp với đà tiến triển của thế giới hiện nay để
huấn luyện cho cán bộ thư viện trong nước cũng như để khởi xướng một phong trào
hướng dẫn sinh viên, học sinh sử dụng thư viện trong công việc sưu tầm, học
hỏi. Bên cạnh việc soạn thảo các tài liệu kỹ thuật chuyên môn, các cán bộ thư
viện chuyên nghiệp còn phải tự hợp tác để soạn thảo các qui chế về nhân sự và
quản lý cho mình để đóng góp với chính quyền vào công việc điều hành guồng máy
hành chánh chuyên ngành. Các cán bộ thư viện chuyên nghiệp cũng phải hợp
tác trong việc ấn định những tiêu chuẩn chung về trụ sở thư viện, về nhân viên,
về sách báo tài liệu để làm khuôn mẫu cho việc tổ chức hệ thống thư viện và mọi
cấp bực trên toàn quốc. Tất cả những công việc trên đây đều là những
nhiệm vụ mà người cán bộ thư viện là những chiến sĩ tiên phong đảm đương để xây
dựng phần chuyên môn cho ngành thư viện.
Về phương diện xã hội, người cán bộ thư viện chuyên nghiệp là những cán bộ
trung kiên và bền bỉ tham dự vào việc vận động để phát triển văn hóa, giáo dục
nước nhà.
Trong lãnh vực văn hóa, người cán bộ thư viện chuyên nghiệp là những cán
bộ văn hóa tích cực và hữu hiệu trong công việc khai thác và phát huy di
sản văn hóa quốc gia bằng những phương tiện và kỹ thuật sẵn có trong tay; người
cán bộ thư viện chuyên nghiệp còn là cây cầu trung gian để đem hội nhập những
tinh hoa của văn hóa nước ngoài vào trong kho tàng văn hóa quí báu của dân tộc.
Người cán bộ thư viện chuyên nghiệp cũng phải tham dự vào công việc phát huy
những công trình giá trị, nâng cao trình độ văn hóa nước nhà, và gạt bỏ những
cặn bã của một nền văn hóa đồi trụy. Người cán bộ thư viện đã sẵn có trong tay
những phương tiện để đề cao những tác phẩm đáng giá này và thúc đẩy công việc
xuất bản những sách báo, tài liệu giá trị bằng cách sử dụng
thư tịch và sách chỉ mục để giới thiệu các độc giả tìm đến nguồn
tài liệu và sách báo đó.
Trong lãnh vực giáo dục, người cán bộ thư viện chuyên nghiệp sẽ tham dự vào
cuộc chuyển hóa nền giáo dục từ Cán bộ Thư viện sang nhiều lĩnh vực khác. Ở cấp
bậc đại học, người cán bộ thư viện chuyên nghiệp sẽ cộng tác tích cực trong
việc thiết lập và điều hợp hệ thống tham khảo, sưu tầm cho mọi lĩnh vực của
chương trình học. Người cán bộ thư viện đại học sẽ đóng vai trò một thuyết
khách đối với ban giảng huấn và một hướng dẫn viên với các sinh viên trong công
việc khởi xướng và khuyến khích sử dụng sách báo tài liệu của thư viện để tham
khảo, sưu tầm, học hỏi thay cho những bài giảng và sách giáo khoa; Ở cấp
bậc trung, tiểu học, người cán bộ thư viện trường học chính là một giáo chức có
tinh thần phục vụ, có căn bản về tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy, am
hiểu chương trình của nhà trường để có thể công tác, hoạch định với các
giáo chức bạn trong việc tuyển chọn và sử dụng các loại sách báo, học liệu phù
hợp với các môn học trong chương trình, hướngdẫn học sinh trong việc đọc
sách và tham khảo, trần thuyết, cùng giúp đỡ các giáo chức cải tiến kỹ
thuật và phương pháp giảng dạy. Sự tham gia trực tiếp của thư viện trường học
vào chương trình giảng dạy và học hỏi đã thay đổi tình trạng của người cán bộ
thư viện trường học từ một khán giả thụ động thành một tham dự viên tích cực
trong nổ lực giáo dục. Người cán bộ thư viện trường học ngày nay phải là
một giáo chức được huấn luyện, được chứng nhận, một giáo chức trong công việc
và thái độ. Người cán bộ thư viện trường học ngày nay phục vụ trong khả
năng tam diện của một ông thầy trong ban giảng huấn, một kỹ sư trong
chương trình truyền thông, và một hoạt náo viên trong chương trình sinh hoạt
ngoại khóa của nhà trường. Người cán bộ thư viện trường học ngày nay phải là
một khí cụ giáo dục được sử dụng để làm sống động và tăng cường chương trình
giáo dục.
Qua phần trình bày ở trên, vai trò tích cực của người cán bộ thư viện trong
sự đóng góp cho việc phát triển quốc gia đã được mô tả để đóng được vai trò này
một cách trọn vẹn, người cán bộ thư viện phải là người có lý tưởng, yêu thích
công việc của mình, có quyết tâm và liên tục học hỏi không ngừng để đưa ngành
thư viện đi lên, và để có thể hoàn thành được những nhiệm vụ văn hóa, giáo dục
của mình, các cán bộ thư viện này cũng cần có sự hỗ trợ về vật chất và tinh
thần của các cơ quan hữu trách.
(Nguồn tin sưu tầm theo Lê Thị Ngọc Oánh - GĐ Thư viện
ĐH Mở Bán Công)
Nguồn trích:http://www.glib.hcmuns.edu.vn/clb/bantin/canbotv.html
Nguồn trích:http://www.glib.hcmuns.edu.vn/clb/bantin/canbotv.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét